Nói đến quê hương Nhơn Lý, không thể nào không kể đến những địa danh "nổi như cồn" gần đây như Eo gió với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ, Kỳ co với bãi cát trắng phau và biển xanh như ngọc, Bãi dứa là nơi có biển trong xanh, nhìn rõ xuống tận đáy và là nơi phát triển dịch vụ bơi lội ngắm san hô,...Ngoài những địa điểm du lịch đặc sắc được thiên nhiên ban tặng, Nhơn Lý còn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật và công trình văn hóa tâm linh có một không hai tại nước ta, trong số đó phải kể đến là Tượng Phật Bồ Tát Quán Thế Âm đôi cao nhất Việt Nam tọa lạc tại Tịnh Xá Ngọc Hòa, Thôn Lý Lương, Xã Nhơn Lý.
|
Khuôn viên Tịnh Xá nhìn từ trên cao, lúc này Tượng Phật đôi đang trong quá trình khởi công xây dựng, bên cạnh sườn núi là địa danh Eo Gió (Ảnh Nhonlyfriends-năm 2012)
|
Để hiểu rõ hơn về địa danh này, chúng ta hãy lướt sơ qua về gốc tích và những đặc điểm nổi bật của nơi được xem là điểm đến du lịch tâm linh không thể thiếu tại bán đảo Phương mai, Xã Nhơn Lý, Tp. Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định. Tịnh xá Ngọc Hòa được cố Đức Thầy Giác An (một trong những vị đệ tử lớn của Tổ sư Minh Đăng Quang - Người khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam) chính thức thành lập vào tháng 5 năm Nhâm Dần (1962). Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và đạo pháp, đạo tràng Tịnh xá đã được nhiều đời Trú Trì tu sửa và mở rộng khang trang hơn, nhưng vẫn luôn giữ được những nét đặt thù của hệ phái Phật Giáo và hòa nhập phát triển theo hướng "Đạo phật đi vào cuộc đời"! Để đến được đây, du khách sẽ phải "trèo đèo lội suối" băng qua những con đường mòn bằng cát trắng trải dài, giờ đây đã được đổ nhựa thông suốt nhằm phục vụ phát triển du lịch, bạn sẽ dễ dàng nhận ra ngôi làng chài nằm "lọt thỏm" giữa một bên là núi (Núi Cấm hay còn gọi là Núi Đơn/ Đơn Cương) tiếp giáp với Biển Đông bao la, một bên là đầu làng nơi có hàng dương lao xao, rì rào theo tiếng sóng vỗ bờ. Phong cảnh hữu tình và cuộc sống dân giã bình dị đã tạo cảm hứng cho nhiều người dân nơi đây sáng tác nên những vần thơ, hò, vè ca ngợi về quê hương, đất nước. Nổi bật nhất là bài thơ của Thầy giáo làng Võ Ngọc An:
Quê tôi hai mặt một lòng
Vũng Nồm Vũng Bấc, kinh trong kinh ngoài
Cô Đơn núi cũng nằm dài
Nửa trong e ấp, nửa ngoài chở che
Ngọt ngào uống nước giếng khe (be)
Mặn mà mắm Vũng nhớ về nghen anh...
(Quê Tôi, sáng tác: Võ Ngọc An)
Hướng về địa danh Eo gió, bên cạnh là khuôn viên Tịnh Xá với nhiều công trình nổi bật như Chánh điện với thiết kế vừa cổ kính vừa hiện đại, hình thù giống chiếc chìa khóa nằm theo hướng Bắc - Nam, trung tâm hình bát giác là nơi thờ tự Tam bảo (Phật-Pháp-Tăng), mặt trước là cổng tam quan truyền thống hệ phái Khất sĩ, phía sau cùng là Quán đảnh ghép đôi của Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện trong tư thế đứng trên tòa sen cao 18 mét (cả chân đế khoảng 30 mét) với mặt Bắc hướng về biển cả bao la và mặt còn lại hướng về làng chài. Tượng ban đầu được sơn màu bạc có tên là Nam Hải Bồ Tát quay về Biển Đông với ngụ ý "Biển bạc" mong cầu ấm no, bình an cho những ngư dân lênh đênh đánh bắt cá trên biển, tượng còn lại quay về hướng Nam có núi được sơn màu vàng óng ánh có tên là Bồ Tát Kiết Tường với ý nghĩa "Rừng vàng" nhằm mong cầu sự thịnh vượng, an lạc cho tất cả chúng sinh và người con của mảnh đất quyên hải này. Bên trong tượng còn lưu giữ khoảng 2.000 tượng Quán Thế Âm cỡ nhỏ đủ màu sắc kèm thông tin đầy đủ về ý tưởng và quá trình xây dựng hoàn thiện tượng nhằm mục đích lưu lại cho đời sau như lời Sư Trú Trì – ĐĐ Giác Tri: “Cứ hình dung đơn giản, hai ba trăm năm nữa, khi đại tu tượng đôi này, thời đó sẽ có 2.000 tượng cổ, ấy là một hỷ sự”.
|
Tượng Bồ Tát đôi cao nhất Việt Nam được sơn ban đầu với hai màu bạc và vàng (Ảnh internet) |
Sau đó thể theo nguyện vọng của bà con trong vùng và sự nhất trí của Phật tử cùng Sư Trú Trì, tượng Bồ Tát Quan Thế Âm đôi được phủ lại hoàn toàn bằng lớp sơn nhũ vàng giúp chống chọi lại thời tiết khắc nghiệt nơi đây và tô điểm thêm vẻ đẹp quê hương và cảnh sắc khuôn viên chùa. Ngoài công trình có ý nghĩa tâm linh rất lớn này, Tịnh xá còn là nơi dành cho du khách thập phương ghé qua để nghỉ chân và thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên xanh mát, trong lành. Nhiều cây cổ thụ như Bàng, Xoài, Mận, Sanh, Si, Sứ đã có tuổi đời từ rất lâu nay được nhà Sư kết hợp thêm với những cỏ, cây, hoa lá nhiều màu sắc sặc sỡ và tôn vinh thêm cảnh trí nơi thiền môn. Bên cạnh Tượng Bồ Tát đôi, nhiều công trình còn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện như dãy Nhà Tăng, Nhà Khách, hàng cột đá khắc kinh Phật, bức tường nghệ thuật đậm chất Phật giáo,.vv…Khuôn viên Tịnh xá còn là nơi trang nghiêm, thanh tịnh rất thích hợp cho những chuyến hành hương, kết hợp với du lịch tâm linh và nơi không thiếu trong cuốn sổ tay tìm hiểu bản sắc văn hóa, phong tục tập quán và con người nơi đây.
Thêm một số hình ảnh về Tịnh Xá và Tượng Phật đôi cao nhất Việt Nam:
|
Chánh điện Tịnh xá Ngọc Hòa (Ảnh Nhonlyfriends) |
|
Tịnh xá Ngọc Hòa lung linh về đêm (Ảnh Nhonlyfriends) |
|
Tượng Bồ Tát (mặt Bắc) theo hướng quay ra Biển Đông (Ảnh Nhonlyfriends) | | | |
|
Mặt trước Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm được bố trí nằm trên trục Bắc Nam
quay về hướng Chánh Điện và Cổng Tam Quan (Ảnh Nhonlyfriends) |
|
Những nét điêu khắc nghệ thuật hiện đại... |
|
Kết hợp với kỹ thuật xây dựng bằng đá tổ ong của nghệ nhân Bình Định theo lối kiến trúc Champa xưa (Ảnh internet) |
|
Khu mộ cổ và Bảo tháp Trưởng Lão Giác Toại (mất năm 1993) - Người con của quê hương đầu tiên về trụ trì tại Tịnh xá |
|
Điểm đến tâm linh cho tất cả du khách thập phương đến chiêm ngưỡng và lễ
bái vào ngày thường và cả trong những dịp lễ, Tết (Ảnh: Nhonlyfriends) |
Nhận xét
Đăng nhận xét
Ý kiến nhận xét về bài viết, kính mong quý vị ghi rõ Họ tên. Xin chân thành cảm ơn