Biến đổi khí hậu tại Bình Định - liên quan trực tiếp đến môi trường sống tại Nhơn Lý

bờ biển Vũng Nồm bị xâm thực sâu

Hoạt động nghề cá với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Việc biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu gắn liền với sự ấm lên của trái đất, sự dâng cao của mực nước biển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khu vực ven biển tại Việt Nam, trong đó có Bình Định. Ảnh hưởng của BĐKH sẽ gây tác động không nhỏ đến đời sống của cộng đồng dân cư và hoạt động nghề cá (HĐNC) tại vùng ven biển Bình Định.

* Nghề cá sẽ bị tác động mạnh

BĐKH sẽ làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển, biến động chủng loại, quần đàn và di cư cá biển, có khả năng sẽ làm thay đổi các bãi cá và ngư trường truyền thống. Nhiệt độ trên bề mặt nuớc biển ấm lên, nồng độ muối thay đổi sẽ làm nguy hại đến các rạn san hô, các thảm thực vật ở các khu vực Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu, Ghềnh Ráng (thuộc TP Quy Nhơn) vốn là lá chắn sóng cho khu vực ven bờ . Bằng chứng là nhiều rạn san hô chậm phát triển, các thảm thực vật như rong biển tại Nhơn Hải, Nhơn Lý bị chết, trôi dạt vào bờ với khối lượng lớn.

Các bãi cá nổi, cá đáy ở khu vực tuyến bờ và lộng từ Quy Nhơn đến Hoài Nhơn có xu hướng ra xa dần; mùa vụ cá cơm, cá ồ, cá thu, cá nục từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm tại các ngư trường trong tỉnh đều bị thay đổi và xáo trộn trong những năm gần đây. Đồng thời, nước biển dâng cao có khả năng làm thay đổi hướng của dòng chảy, có thể làm thay đổi đường di cư của một số loài thủy sản quý hiếm tại Bình Định như chình mun ở đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ).

BĐKH sẽ gây ra nhiều hiện tượng thời tiết bất thường: bão, nước biển dâng, triều cường, lũ lụt, lũ quét... không theo quy luật nên rất khó dự báo trước, sẽ gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho các tàu thuyền khai thác thủy sản (KTTS) hoạt động trên biển. Điển hình, trong năm 2006 thiệt hại tàu thuyền tại Bình Định trong 3 cơn bão là 16 người chết, 5 người bị thương; 21 tàu chìm và 26 tàu bị hư hỏng; giá trị thiệt hại tài sản khoảng 8,3 tỉ đồng. Năm 2007 có 3 cơn bão liên tiếp và 5 đợt mưa lũ lớn đã làm 41 người chết, 10 người bị thương; 19 tàu chìm, 36 tàu hư hỏng; 1.638 ao đầm nuôi tôm bị phá hủy..., thiệt hại khoảng 200 tỉ đồng. Hiện tượng xâm thực của thủy triều ngày càng tăng; tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) đã tàn phá khoảng 3 lớp nhà trước đây của người dân ở cách xa mặt nước biển chừng 500m; một số công trình công cộng trước đây ở sát bờ biển cũng đã bị sóng, bão tàn phá làm sập.

Bình Định là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có chiều dài bờ biển 134 km, thềm lục địa nhỏ dọc theo bờ, các đường đẳng sâu 30m - 50m -100m chạy sát bờ biển, đáy biển không bằng phẳng và có độ dốc lớn. Với hơn 30 xã, phường có vị trí nằm dọc ven biển, ven đầm có HĐNC, tổng số lao động nghề cá toàn tỉnh là 54.930 người (49.363 người làm nghề KTTS; 3.467 người NTTS; 2.100 người chế biến thủy sản và dịch vụ nghề cá).

Ảnh hưởng sự ấm lên của trái đất làm gia tăng nhiệt độ và những biến đổi thất thường của thời tiết đã làm ảnh hưởng đến vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS). Sự tăng nhiệt độ có thể làm suy giảm sản lượng thủy sản trong các ao hồ. Khi nhiệt độ tăng lên làm cho hàm lượng oxy trong nước giảm mạnh vào ban đêm, do sự tiêu thụ quá mức của các loài thực vật thủy sinh, hoặc quá trình phân hợp chất hữu cơ, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của loài nuôi; tôm có thể bị chết hoặc chậm lớn. Nhiệt độ tăng cao làm cho môi trường nước xấu đi, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài vi sinh vật gây hại, là điều kiện phát sinh dịch bệnh trong các loài nuôi. Trong những năm gần đây, do môi trường vùng nuôi bị suy thoái kết hợp với sự thay đổi khắc nghiệt của thời tiết, đã gây ra hiện tượng tôm sú chết hàng loạt, như bệnh do nhóm vi khuẩn Vibrio gây ra, bệnh do virus. Các bệnh này thông thường xảy ra và lan truyền rất nhanh và rộng, khó chữa nên mức độ gây rủi ro rất lớn.

Tỉnh ta là nơi có số ngày nắng cao, mức độ bốc hơi nước lớn, cho nên hạn hán thường xuyên xảy ra. Nhiều ao nuôi tôm cá đã bị bỏ hoang vì không có nước để cung cấp trong quá trình nuôi. Một số ao nuôi chưa đến thời gian thu hoạch đã bị cạn kiệt nguồn nước trong ao, nên người dân phải thu hoạch sớm hoặc bỏ nuôi.

Ở Bình Định, các loại hình thế thời tiết gây mưa sinh lũ thường các loại sau: Bão, áp thấp nhiệt đới đơn thuần đổ bộ vào đất liền hoặc hoạt động vùng ven biển từ 11-16 độ vĩ bắc. Bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền hoặc ven biển từ 8-16 độ vĩ bắc kết hợp với không khí lạnh. Không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, rãnh thấp từ 8-16 độ vĩ bắc. Không khí lạnh kết hợp nhiễu động trong đới gió Đông trên cao hoặc gió Đông Bắc mạnh. Khi khô hạn còn có thể cung cấp nước cho các vùng NTTS, song lũ lụt thì rất khó chống. Nhiều ao nuôi đã được chuẩn bị bao đê kiên cố để chống nước dâng cao vào mùa mưa, nhưng không thể chống được lũ lụt.

Đối với nghề nuôi thủy sản nước mặn lợ, độ mặn lại là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và phát triển của loài nuôi. Khi xảy ra mưa lớn, độ mặn trong các ao nuôi giảm xuống đột ngột vượt ra khỏi ngưỡng chịu đựng làm cho tôm cá bị sốc, chết hoặc chậm lớn. Lũ xảy ra còn làm cho độ mặn các vực nước gần bờ như các cửa sông giảm xuống, nghề nuôi nhuyễn thể, tôm cá, rong biển đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.


* Ứng phó ra sao?

BĐKH sẽ gây ra nhiều hiện tượng bất thường của thời tiết, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và những thiệt hại về con người và vật chất cho cộng đồng dân cư. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về tác hại của BĐKH cho mọi tầng lớp nhân dân là rất cần thiết, đặc biệt là cộng đồng dân cư ven biển và những người tham gia HĐNC. Với phương châm phòng là chính, việc xây dựng dự báo chính xác, sớm và các chương trình ứng phó phù hợp với hiện tượng thay đổi khí hậu bất thường là yếu tố quyết định cho việc giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân do thiên tai gây ra.

Đối với HĐNC, cần có những hoạt động và các chương trình cụ thể sau: Nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về kiến thức phòng và đối phó với BĐKH có khả năng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các phương án tái định cư cho các ngư dân, cơ sở hạ tầng ở vùng ven biển và cửa biển trong tỉnh đi sâu vào đất liền. Xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo bão lũ và nâng cấp hệ thống thông tin tìm kiếm cứu nạn, thông tin về ngư trường nguồn lợi. Xây dựng, nâng cấp các khu cảng cá và bến cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại Quy Nhơn, Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), Đề Gi (Phù Cát) với cơ sở hạ tầng phù hợp cho khoảng 8.000 tàu; xây dựng các biển báo, dấu hiệu và hệ thống thông tin chỉ dẫn tàu ra vào các luồng lạch.

Tại các vùng biển ven bờ và vùng nước nội địa cần sớm xây dựng các chiến lược và cơ chế sử dụng các cơ cấu tư vấn đa lĩnh vực trong quản lý KTTS đồng thời với việc thực hiện phân vùng đi đôi với việc phân quyền quản lý, tạo điều kiện cho ngư dân có các lợi ích khác nhau tham gia vào quá trình quản lý và sử dụng nguồn lợi thủy sản (NLTS) theo mô hình đồng quản lý. Xây dựng giải pháp sinh kế cộng đồng, gắn trách nhiệm của người dân trong việc khai thác, bảo vệ NLTS và bảo vệ môi trường trong việc quản lý khai thác, NTTS trên sông, hồ, đầm, phá.

Việc xác định vị trí nuôi phù hợp cũng có thể tránh được hiện tượng hạn hán kéo dài, mưa lũ, nồng độ muối trong ao nuôi tăng hoặc giảm quá mức. Đồng thời, cần phải phát triển công nghệ sinh học có thể tạo ra mới số loài nuôi có khả năng thích ứng tốt và rộng đối với một số yếu tố môi trường (nhiệt độ, độ mặn) như cá chua, cá rô phi. Đổi mới công nghệ phát triển nuôi lồng bè, như thiết kế bè có khả năng chống chịu được sóng lớn. Xác định thời gian phù hợp cho các đối tượng cho mỗi vùng có thể tránh được sự thay đổi của thời tiết.

Theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới: Nếu nước biển dâng cao 1m, có tới 27% sinh cảnh tự nhiên quan trọng, 33% khu bảo tồn, 23% khu vực có sự đa dạng sinh học chính của Việt Nam bị tác động. Hầu hết các khu vực bị tác động đều là những sinh cảnh có giá trị sinh học cao và là nguồn sống của nhiều người nghèo. Mực nước biển dâng cao 1m có thể làm mất 12,2% diện tích đất - phần lớn là đất màu mỡ nhất của Việt Nam và cũng là nơi cư trú của 23% dân số, khoảng 17 triệu người.

Tăng cường giám sát và quản lý chặt chẽ sự phát triển nghề KTTS ở các đầm, phá và vùng ven bờ với định hướng không đóng mới các loại tàu thuyền nhỏ và thuyền thủ công khi đến tuổi đào thải; tính toán số lượng tàu thuyền cần thiết cho từng đầm, phá và từng khu vực, bố trí và sắp xếp lại cơ cấu nghề nghiệp khai thác, chuyển dần một số lao động dư dôi sang các nghề khác như NTTS, dịch vụ... Các tàu thuyền KTTS phải giảm về số lượng một cách hợp lý nhưng phải nâng cao công suất, đồng thời phải được trang bị các thiết bị hiện đại, trang bị an toàn một cách đồng bộ để có thể vươn khơi khai thác xa bờ và bám biển dài ngày ở tất cả các ngư trường nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh và giảm áp lực khai thác ở các khu vực ven bờ .

Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển NLTS, đặc biệt là việc phát triển các mô hình đồng quản lý trong KTTS tại các đầm Thị Nại, Đề Gi, Trà Ổ; đẩy mạnh chương trình toàn dân tham gia bảo vệ NLTS.

Xây dựng các khu bảo tồn biển nơi có nhiều hệ sinh thái rạn san hô: Nhơn Hải, Nhơn Châu, Nhơn Lý, Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) và khu bảo tồn vùng nước nội địa tại đầm Trà Ổ (Phù Mỹ). Bảo vệ các loài đặc sản quý hiếm: chình mun, bãi sinh sản tôm hùm giống. Phát triển và trồng rừng ngập mặn tại các đầm: Thị Nại, Đề Gi, Trà ỔÅ. Khai thác tiềm năng của các hồ chứa nước tại Vĩnh Thạnh, An Lão, Tây Sơn nhằm khai thác bền vững, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản nước ngọt.

Phát triển bền vững nghề cá phù hợp với sự thích ứng BĐKH là bài toán giải quyết thành công cả hai thách thức là BĐKH và nghèo đói cho cộng đồng ngư dân nghề cá ven biển.

  • Th.S Trần Văn Vinh

(Chi cục Khai thác và Bảo vệ NLTS Bình Định)

Nhận xét